Với chi phí lắp đặt khoảng 3 triệu đồng một mét, những bức tường hộ lan bằng lốp đã cứu mạng nhiều tài xế không may gặp nạn trên các tuyến đường đèo dốc.
2h ngày 18/8/2020, ôtô tải đi hướng Đà Nẵng – Kon Tum trong màn đêm, khi đến đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum, một trong những “điểm đen” tai nạn giao thông) bất ngờ mất phanh không dừng lại được trên đèo. May mắn tài xế kịp đánh lái, lao xe vào hốc lánh nạn và bức tường hộ lan bằng lốp tại vị trí này, dừng lại an toàn. Bốn người trên xe không ai bị thương, xe tải hư hỏng nhẹ.
Một tháng sau, chiều tối ngày 10/9/2020, cũng trên đèo lò xo, xe tải đi hướng Đà Nẵng – Kon Tum bất ngờ lao sang bên phải đường, va chạm mạnh song nhờ bức tường lốp nên tài xế không bị thương, xe tải và 6 mét tường lốp hư hỏng nặng.
Thường qua lại trên các cung đường miền núi, anh Nguyễn Vũ, một tài xế xe du lịch ở Hà Nội, cho hay mấy năm nay anh thấy trên nhiều tuyến quốc lộ xuất hiện các hốc lánh nạn và những đoạn tường lốp, cùng với đó một số vị trí cua gấp được mở rộng hơn mang lại cảm giác an toàn cho người lái xe.
“Tôi từng chứng kiến xe mất phanh lao vào hốc cứu nạn, nhờ có bức tường lốp nên giảm được sự va đập, những người trên xe không bị thương dù lực va chạm khá mạnh”, anh Vũ nói.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Đường bộ III, trước đây đèo Lò Xo xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe mất phanh lao xuống vực, làm chết nhiều người. Những năm gần đây, số vụ tai nạn khu vực này giảm hẳn, đồng thời nhờ có hốc cứu nạn và tường lốp nên trong một số vụ xe mất phanh, may mắn không thiệt hại về người.
Tương tự, ông Nguyễn Bằng Giang – Phó phòng kế hoạch, Sở Giao thông Vận tải Cao Bằng, cho hay nhiều năm qua đèo Khau Múc trên quốc lộ 34B đoạn qua xã Kim Đồng (Thạch An, tỉnh Cao Bằng) xảy ra nhiều vụ ôtô, xe container chở hàng tự lật nghiêng hoặc lao xuống taluy âm. Đây là đoạn đường đèo dốc, vị trí khúc cua có bán kính đường cong nhỏ, tầm nhìn bị che khuất. Trong năm 2018 xảy ra 17 vụ tai nạn có người bị thương. Sau khi đơn vị này lắp đặt tường lốp và làm hốc cứu nạn, năm 2019 xảy ra 5 vụ tai nạn và năm 2020 4 vụ, đều không có thương vong.
Người đưa sáng kiến tường hộ lan bằng lốp vào thực tiễn là ông Vũ Ngọc Lăng (Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Công tác trong ngành giao thông hơn 30 năm và trực tiếp làm về lĩnh vực an toàn từ năm 2014 đến nay, ông Lăng đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn gây đau xót, mất mát lớn đối với các gia đình và xã hội. Thảm khốc nhất là những vụ xe khách không làm chủ tốc độ, mất phanh khi đi xuống đèo dốc đã lao vào vách đá hoặc lao xuống vực sâu, có những vụ cả chục người thương vong.
“Sau mỗi vụ tai nạn, tôi lại trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giảm mức độ thương vong tại các cung đường điểm đen”, ông Lăng nói.
Ông Lăng quan sát thấy tại các cảng biển, cảng sông, người dân thường treo lốp xe ở sà lan để giảm va đập hay các trường đua thường xếp lốp xe cũ hai bên, nên ông nảy ra ý tưởng lắp đặt lốp xe ở các đoạn đèo dốc.
Năm 2017, ông Lăng đã bàn với các đồng nghiệp về phương án này và thử nghiệm đóng cọc, đưa lốp xe phế thải chồng lên nhau rồi nhồi cát vào trong để khi ôtô va đập sẽ xoay lốp và giảm thiểu lực tác động.
“Khi xe đổ đèo, mất phanh, mất lái nếu tựa vào bức tường phòng hộ thì sự đàn hồi của lốp cao su, kết hợp với sự xô dịch của cát, sự quay của lốp xe sẽ làm cho xe giảm hẳn tốc độ và giảm được sự va đập. Đây cũng là bức tường ngăn phương tiện lao xuống vực”, ông Lăng miêu tả sáng kiến của mình và cho rằng bức tường lốp xe chắc chắn, kết cấu mềm, xoay sẽ giúp các phương tiện giảm chấn khi va chạm.
Năm 2018, khi khảo sát an toàn giao thông đoạn quốc lộ 12 đi cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), ông Lăng đề xuất lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho lắp đặt thử một đoạn tường lốp dài trên 70 m tại đây. Trước đó, đoạn đường này xảy ra nhiều vụ xe lao xuống vực gây thương vong. Trong một năm sau đó, xảy ra 2 vụ xe container húc vào tường lốp và gần chục vụ va chạm khác, một số tài xế bị thương nhẹ và may mắn không ai tử nạn.
Khảo sát tại đèo Thung Khe km131 trên quốc lộ 6, “cung đường tử thần” khiến người dân địa phương phải lập miếu thờ, ông Lăng nhận thấy đơn vị quản lý đường bộ đã có các giải pháp như cắm biển hạn chế tốc độ, sơn phản quang đường song tai nạn nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra. Khu vực này nếu làm cầu vượt hoặc đào núi để xử lý điểm đen thì chi phí hơn 100 tỷ đồng, nên vào đầu năm 2018, ông Lăng đề nghị lắp các đoạn tường lốp chắn vách núi chi phí mấy trăm triệu đồng. Từ đó đến nay, đoạn đường này xảy ra 5 vụ tai nạn và đều ở mức độ thiệt hại nhẹ.
Theo ông Lăng, đèo Lò Xo, đèo dốc Cun (quốc lộ 6), quốc lộ 34 nối Hà Giang đi Cao Bằng…, là những nơi địa hình khó khăn, núi đá vực sâu, quanh co, dốc lớn, địa phương không có nguồn lực làm cầu cạn, hầm chui. Do vậy, phương án sử dụng tường phòng hộ lốp ôtô cũ để ngăn xe lao vào vách đá, vực sâu kết hợp với các giải pháp khác đã được các đơn vị quản lý đường áp dụng trong 3 năm qua là giải pháp phù hợp.
“Phương pháp này thi công đơn giản, chi phí thấp”, ông Lăng nói và cho hay, kinh phí lắp đặt tường lốp chỉ từ 1,7 đến 3 triệu đồng một mét trong khi hệ thống tường con quay tương tự của Hàn Quốc chi phí 14-16 triệu một mét.
Ngoài chi phí thấp hơn, tường lốp cũ còn chắc chắn hơn nên được Tổng cục Đường bộ khuyến khích các đơn vị đường bộ lắp đặt.
Các đoạn tường lốp đều được sơn đỏ trắng, ông Vũ Ngọc Lăng giải thích, màu sơn nổi bật giúp lái xe dễ phát hiện và còn có tác dụng dẫn hướng giúp lái xe nhận thức mức độ nguy hiểm của cung đường.
Cùng với ý tưởng lắp đặt tường lốp ở các vách đá, ông Vũ Ngọc Lăng cũng là người đề xuất làm hốc cứu nạn để cứu các xe bị mất phanh khi đổ đèo. Lâu nay quy trình thiết kế đường cứu nạn dài 150 m, song trên đường đèo khó làm vì điều kiện địa hình, nên ông Lăng đã cải tiến thành hốc cứu nạn chỉ dài từ 40 đến 70 m.
“Các hốc cứu nạn thiết kế tăng độ dốc ngược, cuối dốc đổ hố cát cùng với tường lốp bao quanh để xe dừng và giảm thương tích. Phương án này khiến các đoạn địa hình khó vẫn có thể bố trí được nhiều hốc cứu nạn, như đèo Lò Xo đã có 13 hốc”, ông Lăng nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, nhận xét dải hộ lan bằng lốp xe và đường, hốc cứu nạn là giải pháp khả thi, chi phí không quá cao, không cần nhiều mặt bằng lắp đặt. Khi không may xảy ra tai nạn, các bức tường lốp góp phần giữ lại phương tiện, giảm thiệt hại đáng kể so với các vụ xe lao xuống vực, vách núi trước đây.
“3 năm gần đây, tường lốp, hốc cứu nạn cùng các giải pháp đã được triển khai trước đó như biển báo, gờ giảm tốc, xẻ núi…, đã góp phần cứu được hàng trăm xe mất phanh khi đổ đèo. Đèo Lò Xo trong hơn 2 năm nay không xảy ra tai nạn chết người, tường lốp ở đèo Khung Khe, dốc Cun cũng đã cứu được trên 20 vụ xe mất phanh, hàng chục người khỏi tử vong”, ông Huyện nói.
Theo Đoàn Loan
Vnexpress