Tầm nhìn hạn chế vào ban đêm có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lái xe, nhất là trên đường cao tốc.
Nhiều tài xế hiện nay thường chọn di chuyển trên hành trình dài vào ban đêm bởi lưu lượng xe ít, thời gian tới điểm đến nhanh hơn, nhất là trên các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên, lái xe ban đêm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém lái xe ban ngày.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau thường nhiều hơn gấp 2 – 3 lần so với ban ngày. Điều này phần nào cho thấy, việc lái xe khi trời tối luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi người lái phải cẩn trọng hơn.
Tập thói quen quan sát từ xa
Nhiều người khi lái xe ban đêm chỉ nhìn và quan sát ở cự ly gần, trong phạm vi đèn pha có thể chiếu tới ở chế độ chiếu gần. Trong khi đó, các mối nguy hiểm có thể xuất hiện ở khoảng cách xa, nếu chú ý quan sát kỹ, có thể né tránh được va chạm từ xa.
Tất nhiên, với điều kiện trời tối, khó có thể quan sát xa như ban ngày, dù vậy người dùng vẫn có thể thực hiện được điều này nhờ hệ thống đèn chiếu xa (pha) trong trường hợp phía trước không có xe chạy cùng chiều.
Nếu phía trước mặt bạn có xe chạy cùng chiều ở khoảng cách xa, có thể quan sát cách di chuyển của xe đó thông qua 2 bóng đèn hậu. Nếu phía trước có chướng ngại vật, những xe di chuyển trước sẽ đánh lái chuyển hướng, từ đó giúp người lái có thể phán đoán từ xa điều kiện mặt đường ở phía trước.
Lái xe ban đêm trên cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn so với lái xe ban ngày
Nếu có tình huống phải chậm lại, những xe chạy cùng chiều phía trước sẽ rà phanh giảm tốc độ, do đó người điều khiển ô tô chạy phía sau cũng nên rà phanh ngay để đề phòng trường hợp khẩn cấp phải phanh gấp, đồng thời giữ khoảng cách an toàn.
Nên tắt màn hình giải trí
Màn hình giải trí trên xe có thể làm người lái chói mắt và gây mất tập trung. Việc vận hành xe ở tốc độ cao trên cao tốc, ít có đèn đường 2 bên càng khiến ánh sát từ màn hình trung tâm tạo ra cảm giác khó chịu. Do đó, trong trường hợp lái xe trên cao tốc ở những nơi không có đèn đường, nên tắt hẳn màn hình.
Nếu không thể tắt, có thể chọn chế độ ban đêm hoặc chỉnh độ sáng màn hình xuống mức tối nhất có thể. Việc này giúp người lái có thể tập trung hoàn toàn vào mặt đường phía trước, kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm.
Chạy chậm hơn so với khi lái xe ban ngày
Khi lái xe vào ban đêm, đặc biệt trên đường cao tốc, nên chọn tốc độ thấp hơn từ 10 – 30 km/giờ so với lái xe vào ban ngày. Việc này giúp tài xế có đủ thời gian xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Tầm nhìn vào ban đêm ngắn hơn so với ban ngày. Khi lái xe chậm hơn cũng đồng nghĩa với thời gian phanh cho xe dừng hẳn cũng sẽ ít hơn, tăng sự an toàn khi gặp tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, cố gắng giữ khoảng cách an toàn với xe chạy cùng chiều ở phía trước chưa bao giờ là lời nhắc nhở dư thừa. Khi lái xe vào ban đêm, việc giữ khoảng cách cũng nên thực hiện xa hơn so với lái xe ban ngày.
Sử dụng hợp lý chế độ chiếu sáng
Nếu lái xe trên các tuyến đường đô thị, đường quốc lộ thường hạn chế sử dụng đèn chiếu xa, tuy nhiên khi chúng ta lái xe trên cao tốc nên sử dụng chế độ này hợp lý để có thể quan sát được xa hơn.
Nên bật đèn chiếu xa trên cao tốc khi phía trước không có xe chạy ngược chiều
Thông thường, người lái có thể sử dụng chế độ đèn chiếu xa trong trường hợp phía trước không có bất kỳ xe chạy cùng chiều nào. Đồng thời đó cũng là đoạn đường có dải phân cách cao, khi đèn pha bật không ảnh hưởng đến các xe chạy ngược chiều.
Với những đoạn đường có dải phân cách thấp, hoặc ở chỗ có vạch liền hay vạch đứt, khi có xe đi ngược chiều, hãy chuyển về chế độ đèn chiếu gần để tránh gây lóa mắt cho tài xế lái xe ngược chiều. Khi muốn vượt xe phía trước nên nháy đèn để ra hiệu xin vượt.
Tuyệt đối không chạy vào làn khẩn cấp vào ban đêm
Đường cao tốc không thể tránh khỏi các sự cố có thể gặp phải với các phương tiện lưu thông, buộc phải dừng xe trên làn đường khẩn cấp. Đây là những mối nguy hiểm cao trên đường cao tốc, đặc biệt là vào ban đêm với tầm nhìn hạn chế.
Do vậy, khi lái xe trên cao tốc, dù là ban đêm hay ban ngày cũng tuyệt đối không di chuyển trên làn đường này. Rất nhiều xe tại Việt Nam hiện nay khi bị sự cố trên cao tốc không hề có dấu hiệu cảnh báo từ xa, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do các xe chạy cùng chiều đâm phải.
Không đi chậm hay dừng xe trên làn đường cao tốc
Một số người lái xe đi với tốc độ quá chậm trên cao tốc có thể trở thành một chướng ngại vật nguy hiểm đối với dòng xe đang lưu thông ở tốc độ cao. Do đó không nên chạy xe dưới tốc độ tối thiểu (thông thường khoảng 60 km/giờ) trên cao tốc. Vào ban đêm, những xe phía sau càng khó phán đoán được tốc độ của xe chạy phía trước, việc chạy quá chậm đồng nghĩa làm tăng thời gian phản ứng tránh va chạm cho các phương tiện xung quanh.
Khi xe bị sự cố, tìm mọi cách để di chuyển xe vào làn đường khẩn cấp, không đậu xe trên làn đường cao tốc để xử lý sự cố. Nếu bất khả kháng, bật đèn ưu tiên và tìm cách cảnh báo xe cùng chiều từ xa, để họ kịp giảm tốc độ tránh va chạm.
Dừng xe nghỉ ngơi khi cảm thấy buồn ngủ
Buồn ngủ được xem là mối nguy lớn nhất khi lái xe ban đêm. Vì vậy, trong quá trình lái xe nếu cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi bạn nên tìm trạm dừng chân trên cao tốc, chợp mắt một lát cho tỉnh táo hơn rồi mới lái xe tiếp. Nên mang theo bảng báo hiệu có phản quang để sử dụng trong trường hợp phải đỗ xe trên làn đường khẩn cấp nếu không thể lái xe tiếp vì buồn ngủ.
Theo Thanh Niên