Đối phó với các mức phạt nồng độ cồn trở thành một trong những vấn đề lái xe Việt quan tâm nhất năm.
Sau nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn hơn thì nhiều độc giả cũng thắc mắc hơn về vấn đề cách đo nồng độ cồn thế nào là chính xác.
Nằm trong top những câu hỏi được quan tâm nhất là “Không có nồng độ cồn, lái xe có cần xuất trình giấy tờ?” có 185.037 lượt xem với 80 ý kiến tham gia.
Căn cứ theo Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, CSGT có quyền kiểm tra giấy tờ dù không phát hiện nồng độ cồn nếu thấy dấu hiệu vi phạm hoặc qua tin báo, tố giác. Khi xử phạt người điều khiển phương tiện được quyền yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm. Nếu người vi phạm hoặc người đại diện không chứng minh, giải thích được lỗi vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Nếu CSGT không chứng minh được vi phạm mà vẫn cố tình xử phạt thì chủ phương tiện có quyền khiếu nại theo quy định.
Cũng liên quan đến nồng độ cồn, câu hỏi “Lực lượng nào được kiểm tra nồng độ cồn lái xe? có 73.041 lượt quan tâm. Độc giả Lala cho biết: “Nghiên cứu làm gì cho mệt, đừng uống thì chẳng có ai phạt cả, cứ đường hoàng mà đi thôi”. Thực tế, theo quy định của luật, cụ thể trong thông tư 01/2016/TT-BCA, cảnh sát giao thông là lực lượng được phép kiểm tra nồng độ cồn.
Ngoài nồng độ cồn, năm 2020 khá nhiều câu hỏi về luật và tình huống giao thông được gửi đến. Một câu hỏi được gửi đến khá nhiều lần nhưng vẫn được quan tâm từ các tài mới là “Dừng đèn đỏ nên để số N hay D?”. Thu hút gần 100.000 lượt quan tâm với hơn 229 lượt góp ý.
Theo các chuyên gia, để N hay D hoàn toàn là thói quen của tài xế, miễn là an toàn, chủ động kiểm soát xe. Tuy vậy, lời khuyên là vẫn để D khi thời gian chờ ngắn, khoảng nửa phút, nếu dài hơn có thể về N, phanh tay (trên đường bằng). Dù thế nào, luôn luôn sẵn sàng chân phanh để tránh tình huống bất ngờ.
Cũng từ các tài mới, câu hỏi về khẩu khuyết của các tài già khi lái xe như ‘Nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng’ là gì?” có gần 100.000 lượt quan tâm. Đây là thứ tự các quyền ưu tiên cho các xe tham gia giao thông khi đi qua ngã tư. Trong đó, nhất chớm: xe nào đã vào ngã tư trước thì đương nhiên được đi đầu tiên; nhì ưu: xe ưu tiên (cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát, hộ đê…); tam đường: xe nào đi trên đường ưu tiên thì được đi trước; tứ hướng: hướng ưu tiên (xe đi thẳng được đi trước).
Câu hỏi về cách “Phân biệt xe SUV, CUV và MPV?” có gần 60.000 lượt xem với gần 100 lượt bình luận. Có thể hiểu các khái niệm này như sau:
SUV(Sport Utility Vehicle – xe thể thao đa dụng), là một loại xe gia đình với thân xe rời khung (body-on-frame) kiểu thường thấy trên xe tải nhẹ. Người dùng thích chọn xe SUV vì gầm xe cao, đi được nhiều địa hình. Fortuner, Everest, Pajero Sport là những chiếc SUV thuần chất.
CUV(Crossover Utility Vehicle) loại xe ôtô được thiết kế theo kiểu việt dã thể thao nhưng nhỏ hơn, gầm xe thấp hơn. Dòng xe này có cấu trúc thân xe liền khối với khung gầm và hệ thống truyền động (unibody) Ví dụ, Mazda CX-5, Honda CR-V, Kia Sorento, Hyundai Santa Fe.
MPV(Multi-Purpose Vehicle) là loại xe đa dụng. Dòng xe này được thiết kế rộng rãi với nhiều chức năng, đặc biệt có thể chuyển đổi giữa việc chở người và chở hàng hóa thông qua việc sắp xếp các hàng ghế hành khách phía sau. Ở Việt Nam dòng xe này phổ biến có Innova, Sedona…
Năm 2020, mục tư vấn của xe nhận được gần hai nghìn câu hỏi từ độc giả chủ yếu về xe hơi xoay quanh các chủ đề như nên mua xe này hay xe kia, đánh giá xe mới, định giá xe cũ, luật giao thông, tình huống xử lý giao thông và cách sử dụng các thiết bị trên xe. Các câu hỏi lập tức nhận được phản hồi từ độc giả và đáp án từ các chuyên gia. Đặc biệt, năm nay những câu hỏi tư vấn liên quan đến xe máy giảm nhiều.
Theo Nguyên Vũ
Vnexpress