Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động vận tải hàng hóa giảm mạnh. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ quá tải vẫn được duy trì thường xuyên; dù giảm nhẹ số vụ, nhưng số tiền xử phạt vẫn tăng.
Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội sử dụng cân xách tay kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn huyện Đông Anh, tháng 7-2020. Ảnh: Tuấn Khải.
“Anh ơi, anh nghe máy”
“Anh thông cảm, tôi không nghe. Tôi đang đi làm, tôi không được quyền nghe. Có gì cần khiếu nại, anh liên hệ với cấp trên”.
Vừa rồi là trao đổi giữa một tài xế vi phạm chở hàng quá khổ với thanh tra giao thông tại khu vực ngã tư Big C- Đại lộ Thăng Long, TP Hà Nội. Gọi điện cho người quen nhờ cậy để xin bỏ qua lỗi vi phạm là hành vi phổ biến của các tài xế để đối phó lực lượng chức năng.
Theo ông Phan Anh Tuấn – Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy, ngay từ đầu năm 2020, lực lượng liên ngành đã kiên quyết xử lý vi phạm đối với xe quá khổ, quá tải, có trường hợp quá tải trên 100%.
“Việc chúng tôi làm là dựa trên cơ sở pháp luật quy định về thẩm quyền. Do đó, chúng tôi rất kiên trì giải thích pháp luật cho những đối tượng cố tình chống đối, hiểu sai quy định, gây sự với lực lượng chức năng. Chúng tôi cũng hết sức mềm mỏng thuyết phục để chấp hành. Và như anh thấy, các đối tượng chống đối đều lần lượt nhận ra sai phạm của mình và chấp hành theo quy định của pháp luật”, ông Phan Anh Tuấn cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Khắc Tuyến, Phó Đội trưởng Đội thanh tra giao thông cầu đường bộ cũng khẳng định, việc lực lượng chức năng kiên trì xử lý đúng người, đúng lỗi, đúng hành vi đã khiến nhiều tài xế có ý định đối phó phải e dè:
“Khi ra tín hiệu, lái xe cố tình bỏ chạy. Khi dừng, lại kéo dài thời gian, gọi cho người thân nhờ can thiệp. Rồi họ trốn tránh, đóng cửa xe bỏ đi, có hành vi lăng mạ, chống đối. Tuy nhiên, tổ công tác kiên quyết lập biên bản đúng lỗi, đúng hành vi”.
Thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2020, đơn vị đã xử lý hơn 1.400 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải, phạt tiền hơn 18 tỷ đồng, tạm giữ 64 phương tiện, tước GPLX 613 trường hợp. So với năm 2019, đã giảm gần 350 vụ, nhưng số tiền xử phạt tăng nhẹ gần 350 triệu đồng.
Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, tăng mạnh chế tài xử phạt với xe vi phạm quá khổ, quá tải, có trường hợp bị xử phạt 30-40 triệu đồng, các tài xế và chủ xe đã có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật.
Mặc dù vậy, vào ban đêm, tại một số tuyến đường, đê vắng bóng lực lượng chức năng, vẫn xảy ra vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, vệ sinh môi trường, gây bức xúc dư luận. Một số tài xế chống đối, bất hợp tác, chủ phương tiện tìm mọi cách gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra.
“Đối với những trường hợp này, chúng tôi phối hợp tuyên truyền lái xe và người có ý định can thiệp, để họ hiểu đây là hành vi vi phạm hành chính, rất nguy hiểm với người tham gia giao thông và tàn phá kết cấu công trình giao thông. Chúng tôi quán triệt việc chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật thực thi công vụ, không bao che, dung túng, bỏ qua vi phạm của tổ chức cá nhân tham gia kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố”.
Ông Lê Xuân Tiến nhấn mạnh, trong năm 2021, Thanh tra sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự, cảnh sát môi trường tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện bằng cân xách tay ngay tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, công trường thi công, nơi phát sinh nguồn hàng.
“Chúng tôi sẽ thống kê phương tiện, tổ chức có nhiều phương tiện vi phạm. Từ đó, đề xuất Sở GTVT thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý của họ. Xử lý nghiêm và yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và kích thước thành thùng”
Song song với xử phạt, lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung cam kết đã ký của tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; Đồng thời, tiếp tục kiểm tra đột xuất vi phạm về rượu bia, ma túy với lái xe vận tải.
Theo VOV Giao thông