Tết Nguyên đán sắp tới, các đơn vị vận tải, doanh nghiệp, bến xe phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phục vụ hành khách về quê đón Tết, vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19…
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cận kề, đến thời điểm này, các bến xe, các doanh nghiệp vận tải đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo tính toán của một số bến xe, dự kiến năm nay lượng khách về các bến sẽ tăng khoảng 30 đến 50 %.
Khác với mọi năm, bên cạnh kế hoạch phục vụ hành khách, năm nay, các doanh nghiệp vận tải, các nhà xe cũng phải thực hiện nhiệm vụ “kép”: Vừa phục vụ kế hoạch vận tải, vừa tham gia phòng dịch COVID- 19.
Về phía hành khách, họ đã chuẩn bị những gì để đảm bảo an toàn, thuận lợi?
Thực tế triển khai tại các đơn vị ra sao? Hành khách cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn cho những chuyến đi trong dịp Tết?
Nói chung đi xa thì cũng tự mình bảo vệ bản thân mình và cộng đồng xã hội thôi, đeo khẩu trang đầy đủ quy định của Bộ Y tế khuyến cáo đưa ra. Cũng mong muốn tất cả hành khách trên xe phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế cũng như là của nhà xe”.
“Về quê ăn Tết mình phải phòng chống, đi đâu cũng phải đeo khẩu trang phải tuân thủ ai đi về thì cũng phải đeo khẩu trang hết”.
“Nhà xe với hành khách phải phối hợp với nhau, khách thì cũng phải tự biết bảo vệ, đeo khẩu trang đúng cách; nhà xe thì đảm bảo an toàn cho chuyến đi như thế, nhất là dịp Tết rất đông”.
Tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải, các nhà xe ngoài việc chuẩn bị phương tiện dự phòng, trên từng phương tiện đều chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ hành khách.
Ông Thiều Văn Hùng, Công ty TNHH và Du lịch Cường An – chạy tuyến Hà Nội – Tuyên Quang cho biết, mỗi ngày đơn vị có 33 lượt xe xuất bến và hiện tại mới chỉ khai thác khoảng 30% công suất nên không lo thiếu xe dịp Tết:
“Dự kiến tăng cường để phục vụ hành khách, thì doanh nghiệp đã có phương án sẵn sàng phục vụ, khách không lo nhỡ xe về quê ăn Tết, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sang, chỉ sợ không có khách”.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Luân, nhà xe Hà Sơn – Hải Vân, chuyên tuyến Hà Nội – Lào Cai cũng cho biết:
“Bọn em sẽ tăng cường chuyến lượt để không khách nào bị nhỡ cả, và không tăng giá vé, không nhồi nhét, chở đúng số người quy định”.
Ông Lý Trường Sơn, giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, mỗi ngày tại bến có hơn 800 phương tiện xuất bến, đáp ứng khoảng 6.000 lượt hành khách. Ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp chủ động bố trí phương tiện tăng cường, đơn vị cũng quán triệt đến các đơn vị vận tải, lái xe chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch:
“Lượng khách bình quân mới đạt 30-50% hệ số tải trọng phương tiện, vì vậy lượng xe cơ bản đảm bảo đáp ứng đủ phục vụ hành khách. Đặc biệt trong năm nay, bến vẫn tiếp tục công tác phòng chống dịch COVID-19 như từ đầu năm”.
Tại các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, mỗi đơn vị vận tải đều được yêu cầu chuẩn bị phương tiện dự phòng, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch từ các cơ quan y tế:
“Yêu cầu năm nay có khác các năm là về yêu cầu công tác phòng dịch, yêu cầu tất cả nhà xe phải có nước sát khuẩn cho hành khách và khi lên xe tất cả hành khách phải đeo khẩu trang”.
Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, ngoài số phương tiện đang khai thác tại các bến, đơn vị đã yêu cầu các nhà xe chuẩn bị hơn 2.000 xe tăng cường để sẵn sàng phục vụ hành khách trong những ngày cao điểm nếu lượng khách tăng đột biết:
“Các nhà xe phải tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. Các phương tiện phải đảm bảo vệ sinh hành khách lên xe phải được yêu cầu đeo khẩu trang, và nhân viên phục vụ đeo khẩu trang, các cửa xe luôn mở thông thoáng đảm bảo lưu thông không khí. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm soát hành khách khai báo y tế theo yêu cầu của cơ quan chức năng”.
Đối với đường sắt, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cũng cho biết, toàn bộ lãnh đạo đến nhân viên ngành đường sắt đều được yêu cầu thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng dịch từ Chính phủ và các cơ quan y tế để hành khách đi lại dịp Tết được an toàn:
“Lãnh đạo Tổng công ty và lãnh đạo các ban chuyên môn trực luân phiên 24/24; các tổ chức chính trị – xã hội khác như Đoàn thanh niên, công đoàn phối hợp với các đơn vị dọc tuyến tổ chức cảnh giới tại những lối đi tự mở có nhiều người qua lại. Trong an toàn phòng dịch thì yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các giải pháp của Chính phủ về phòng chống dịch COVID”.
Không chỉ với đường bộ, đường sắt, mà ở đường hàng không, việc thực hiện công tác phòng dịch vũng được đặt ra một cách nghiêm ngặt.
Tại buổi tổng kết 5 năm an toàn giao thông diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBATGTQG cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT, Y tế thực hiện nhiệm vụ kép: vừa đảm bảo kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, vừa tham gia phòng dịch, không để dịch lây lan.
Theo VOV Giao thông