Các chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô ở Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Do đó, để phát triển công nghiệp ô tô, cần có chính sách khuyến khích đột phá và phù hợp, đảm bảo thực thi một cách hiệu quả có như vậy mới rút ngắn được khoảng cách hiện có.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với các quốc gia trong khu vực.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp khoảng 680.000 xe/năm. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015-2018, đạt 250 nghìn xe vào năm 2018.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với các quốc gia trong khu vực. Dẫn chứng là sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước năm 2017 và 2018 đã giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó; mà nguyên nhân là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.
Các chuyên gia đánh giá hạn chế của ngành sản xuất ôtô nội địa là chưa làm chủ được các công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp. Với các sản phẩm đã được nội địa hóa thì mang hàm lượng công nghệ thấp, chủ yếu là: Săm, lốp, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…
Ông Lương Đức Toàn (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết: “Hiện tại chúng ta vẫn chưa chủ động được các vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo.. chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đã có nhưng do thời gian triển khai thực hiện ngắn nên chưa phát huy hiệu quả rõ rệt”.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, vốn đầu tư vào sản xuất ô tô rất lớn; do đó họ rất mong chờ chính sách đột phá từ cơ quan chức năng cùng những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần tạo dung lượng thị trường đủ cho ngành ô tô phát triển thông qua chính sách ưu đãi về thuế như cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện ô-tô sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu. Ngoài ra, cần cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô…
PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, nêu ý kiến: “Đây là một bài toán rất khó về vốn, về đầu tư rõ ràng không thể nào trong 1- 2 năm có lãi được, mà phải có đầu tư dài hạn, vốn lớn. Vì thế rất cần Chính phủ phải có những quyết sách hỗ trợ bằng cách giúp cho các doanh nghiệp ô tô có thể vay được các khoản vay từ hệ thống ngân hàng thương mại hoặc là ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi để từ đó họ có thể trụ vững trong quá trình đầu tư cũng như trong đại dịch COVID 19”.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều cơ chế chính sách mới để tiếp tục hỗ trợ, tạo bàn đạp cho thị trường ô tô Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là tính thực thi của các chính sách đến đâu và sẽ triển khai thế nào trong thời gian tới.
“Nhiều chỉ số, nhiều chỉ tiêu đã được lượng hóa rất cụ thể, ví dụ liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa, liên quan đến tỷ lệ hàng hóa phụ tùng, linh kiện “Made in Việt Nam” cũng đã có những chỉ tiêu, những chỉ số rất cụ thể hay một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước liên quan đến vấn đề về sở hữu trí tuệ; vốn; mặt bằng đất đai cũng đã có những cái điều kiện hỗ trợ tương đối ưu đãi trong đề án đó. Vấn đề mà tôi quan tâm ở đây là sắp tới sẽ thực thi như thế nào để đảm bảo thực sự đi vào cuộc sống mới là cái chúng ta cần quan tâm”, TS Cấn Văn Lực nói.
Để đảm bảo chính sách thực thi một cách hiệu quả và thực chất, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, cùng với đó, các chính sách cũng phải có tính ổn định, thống nhất, tránh biến động, có như vậy, các doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư, yên tâm sản xuất và phát triển hơn nữa trong tương lai.
Theo VOV Giao thông