Linh kiện ô tô: Mất tính cạnh tranh vì sản xuất trong nước giá cao hơn nhập khẩu

Để nắm bắt tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước cần liên kết, kết nối kinh doanh với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô toàn cầu.

Năng lực của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô của Việt Nam đã và đang được nâng lên tương đối rõ rệt trong những năm gần đây.

Theo Bộ Công Thương, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện, phụ tùng ôtô của Việt Nam đạt kỷ lục 5,645 tỷ USD, đứng vị trí thứ 8 trong nhóm 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay. Các thị trường lớn nhất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô từ Việt Nam là: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…

TS. Cấn Văn Lực – thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng trong khoảng 5 – 10 năm trở lại đây, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô của Việt Nam đã và đang được nâng lên tương đối rõ rệt. Việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô trong khu vực và quốc tế của những doanh nghiệp này cũng có nhiều tín hiệu tích cực.

Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa có hiệu lực vào đầu tháng 8 đồng nghĩa với thuế suất giảm từ 3 – 4% về 0%, cơ hội xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam vào EU sẽ tăng lên.

Mặc dù vậy, theo TS Cấn Văn Lực, để nắm bắt tốt cơ hội, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ta cần khắc phục một số điểm yếu, hạn chế còn tồn tại: “Thứ nhất, liên quan đến vấn đề về công nghệ thì thiết bị công nghệ hay ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất ô tô vào Việt Nam, kể cả tự động hóa vẫn còn nhiều bất cập. Thứ hai, về chất lượng sản phẩm. Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn bị đối tác nước ngoài đánh giá đôi khi không đảm bảo được đầy đủ yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Thứ ba tính kỷ cương, kỷ luật lao động, đôi khi vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến những hợp đồng  bị chậm trễ, khiến đối tác nước ngoài không hài lòng”.

Bên cạnh đó có một thực tế, hiện nay nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chịu thuế nhập khẩu trong khi nhiều linh phụ kiện nhập khẩu lại đã có thuế suất về 0%. Do đó, linh kiện sản xuất ra trong nước có giá thành cao hơn từ nhập khẩu, mất đi tính cạnh tranh.

Nhà nước cần sớm ban hành chính sách thuế phù hợp vừa giảm chi phí đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ, vừa bảo vệ sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) kiến nghị để ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển mạnh hơn nữa, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách thuế phù hợp vừa giảm chi phí đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ, vừa bảo vệ sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Phát triển công nghiệp hỗ trợ chúng ta phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà chúng ta chưa làm được. Những nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được thì thuế phải về 0% để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Ví dụ chúng ta sản xuất nhíp thì phải nhập khẩu thép trong khi thép nguyên liệu vẫn phải chịu thuế thì nhíp thành phẩm giá thành cao”, ông Phạm Văn Tài nói.

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng để nâng cao năng lực xuất khẩu linh kiện ôtô cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, cần triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước với doanh nghiệp lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường.

“Bản thân mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô cũng cần phải phấn đấu, đặc biệt là đổi mới tư duy quản trị điều hành cũng như cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh trong và sau COVID 19. Các doanh nghiệp cũng cần phải kết nối với nhau, để vừa tăng năng lực cạnh tranh của mình cũng như tăng khả năng kết nối với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô”, TS Cấn Văn Lực lưu ý.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, vận dụng tốt các cam kết trong hội nhập khéo léo, để khuyến khích công nghiệp ô tô phát triển.

Cùng  với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo VOV Giao thông

Tags:
Messenger Messenger
Đại lý Danh sách đại lý
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay

Để lại lời nhắn