Thu phí không dừng gặp khó vì 2,5 triệu xe chưa dán thẻ

Các dự án BOT sẽ lắp đặt xong hệ thống thu phí không dừng vào cuối năm, tuy nhiên, số ôtô dán thẻ sử dụng hệ thống này mới đạt 1 triệu trong số 3,5 triệu xe.

Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Quá trình tính toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện tự động bởi hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn của VnExpress.

– Tiến độ hai dự án thu phí không dừng (ETC) giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến nay như thế nào, thưa ông?

– Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) được triển khai tại 50 trạm BOT từ năm 2017. Trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 32 trạm thu phí lượt, 3 trạm thu phí kín trên cao tốc (Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Hải Phòng), còn lại địa phương quản lý 15 trạm. Hiện nay toàn bộ 50 trạm đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.

Dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) gồm 33 trạm, trong đó 25 trạm đang được khẩn trương lắp đặt, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12, còn 8 trạm chưa triển khai do nhiều nguyên nhân.

Trong 8 trạm có hai trạm là cầu Thái Hà, cầu Mỹ Lợi chưa lắp đặt do doanh thu quá thấp, nếu lắp đặt sẽ ảnh hưởng phương án tài chính. Ba trạm khác là BOT T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ), BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên, quốc lộ 14 (Quang Đức) đang dừng thu phí và doanh thu thấp nên được Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị nhà nước mua lại. Ngoài ra, ba trạm BOT trên quốc lộ 51 sẽ dừng thu phí vào năm 2021 nên không lắp đặt thu phí không dừng.

Hiện có 4 trạm thu phí trên các tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, TP HCM – Long Thành, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành chưa lắp đặt thu phí không dừng, do chưa có vốn đầu tư. Đơn vị quản lý là Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xây dựng phương án sử dụng nguồn thu phí để đầu tư hệ thống, chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Chính phủ cũng đã cho phép các dự án này lùi tiến độ lắp đặt.

Tôi tin tưởng rằng, các dự án thu phí không dừng do Bộ Giao thông Vận tải triển khai sẽ hoàn thành theo tiến độ mà Thủ tướng yêu cầu là trước 31/12/2020.

– Đâu là nguyên nhân khiến tiến độ các dự án thu phí không dừng chậm trễ trong thời gian qua?

– Lần đầu tiên dự án thu phí không dừng triển khai ở Việt Nam nên cơ chế chính sách còn một số bất cập. Ví dụ quy định không cho phép doanh nghiệp dự án BOT đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại trạm, mà phải do đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt, khiến một số doanh nghiệp BOT không đồng tình. Tháng 6, Thủ tướng đã ban hành quyết định 19 tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận của các nhà đầu tư BOT và ngân hàng, do đó tiến độ lắp đặt được đẩy nhanh hơn.

Theo quyết định 19, nhà đầu tư BOT được tự đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại trạm và đấu nối với cơ sở dữ liệu của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí.

Vấn đề khó khăn hiện nay là số ôtô dán thẻ không dừng mới đạt khoảng 1 triệu trong số 3,5 triệu xe trong cả nước, con số này còn thấp. Nếu số lượng xe dán thẻ thấp thì sẽ không phát huy được hiệu quả thu phí không dừng tại các dự án BOT.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư. Ảnh: Anh Duy

– Hiện không có quy định bắt buộc ôtô phải dán thẻ thu phí không dừng. Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp gì để tăng số lượng chủ xe dán thẻ?

– Để khuyến khích chủ xe, các đơn vị cung cấp dịch vụ đang miễn phí khi dán thẻ lần đầu, chi phí mỗi thẻ dán lần đầu là 120.000 đồng. Tuy nhiên, sau năm 2021, chủ xe sẽ phải chịu chi phí dán thẻ và các chi phí liên quan theo chỉ đạo của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng cần giảm phí đối với xe sử dụng dịch vụ không dừng để khuyến khích người dân dán thẻ. Tuy nhiên, nếu giảm phí thì doanh thu dự án BOT giảm xuống, ảnh hưởng phương án tài chính và nợ ngân hàng. Hiện nay phần lớn dự án BOT đều giảm doanh thu do lưu lượng giảm nên không thể giảm phí.

Theo tôi, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vận tải có đầu xe nhiều và công chức cần gương mẫu sử dụng thẻ không dừng. Khi sử dụng dịch vụ này, các phương tiện được nhiều mặt lợi là tăng tốc độ lưu thông qua trạm, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại.

Hiện nay tình trạng phương tiện đi không dán thẻ hay thẻ không có tiền vẫn đi nhầm vào làn không dừng, gây ách tắc giao thông. Thời gian tới các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm xe đi sai làn, tạo thông thoáng cho làn không dừng.

Tại trạm BOT Pháp Vân, làn thu phí không dừng (phải) thường thông thoáng, trong khi làn hỗn hợp bị ùn ứ. Ảnh: Anh Duy.

– Hiện tài khoản giao thông ETC chưa liên thông với tài khoản ngân hàng. Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ xe chưa muốn dán thẻ?

– Hiện nay chủ xe phải chuyển tiền vào tài khoản giao thông và bị trừ tiền mỗi lần qua trạm BOT. Sau này khi tài khoản giao thông liên thông với tài khoản ngân hàng, tiền sẽ tự động chuyển qua, chủ xe và doanh nghiệp vận tải không còn bức xúc vì phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông.

Tuy nhiên, việc liên thông phụ thuộc vào ngân hàng, lâu nay các nhà băng còn e ngại việc bảo mật. Hiện nay nhà đầu tư BOO1 đã liên thông với ngân hàng BIDV và đang làm việc với các ngân hàng khác để liên thông. Nhà đầu tư BOO2 đang có ví điện tử Viettel Pay, sẽ liên kết với tài khoản thu phí không dừng. Khi hệ thống này đi vào hoạt động, tôi hy vọng dự án thu phí không dừng sẽ thanh toán thuận lợi hơn.

Ngoài ra, hai dự án thu phí không dừng đã liên thông với nhau, nghĩa là chủ xe chỉ cần dán một thẻ của một đơn vị cung cấp dịch vụ để đi tất cả trạm thu phí.

– Một số ý kiến cho rằng việc thu phí tại nhiều dự án BOT chưa minh bạch, vậy thu phí không dừng giải quyết vấn đề này như thế nào?

– Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm soát chặt chẽ doanh thu tại các trạm BOT, không có thu gian dối. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra với sự tham gia nhiều lực lượng chức năng, có cả công an, số liệu thu phí tại các trạm được lưu trữ trong 5 năm để rà soát lại nếu có nghi ngờ. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ có hệ thống giám sát trực tuyến các xe qua trạm hàng ngày. Doanh thu các trạm còn được giám sát qua các kênh khác là ngân hàng tài trợ vốn và cơ quan thuế qua biên lai, cuống vé.

Dự án thu phí không dừng là thêm một kênh giám sát thu phí, giúp cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát các đơn vị BOT thu phí chính xác, minh bạch, việc đầu tư theo đúng hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải. Chúng tôi khẳng định không có chuyện đơn vị lắp đặt hệ thống thu phí không dừng “ăn dày”, hưởng lợi dự án.

Dịch vụ thu phí tự động đường bộ không dừng áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh dán lên kính hoặc đèn xe.

Từ thẻ VETC gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking, tại trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí… Thời gian xử lý giao dịch thu phí nhanh với tốc độ phương tiện qua trạm không barie là 50 giây/giao dịch.

Đoàn Loan

Theo Vnexpress

Tags:
Messenger Messenger
Đại lý Danh sách đại lý
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay

Để lại lời nhắn