Tiến độ 3 dự án rút ngắn thời gian TP HCM đi Cần Thơ

Cầu Mỹ Thuận 2 cùng hai cao tốc về miền Tây hoàn thành thời gian tới giúp rút ngắn chặng TP HCM – Cần Thơ còn 2 giờ thay vì gần 4 giờ như hiện tại.

Ba dự án (màu đỏ) giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Cần Thơ. Đồ hoạ: Thanh Huyền

Ba dự án (màu đỏ) giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Cần Thơ. Đồ hoạ: Thanh Huyền

Trưa 27/2, hơn 500 công nhân đang thi công những đốt của trụ chính dây văng cầu Mỹ Thuận 2. Dự án được chia thành 5 gói thầu xây lắp. Hiện 4 gói phụ đã hoàn thành 67-81%, gói chính đang được đẩy nhân tiến độ. Tổng giá trị xây lắp của dự án đến thời điểm hiện tại đạt hơn 1.500 tỷ đồng (khoảng 48% giá trị hợp đồng), vượt so với kế hoạch gần 2%.

“Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vật liệu khan hiếm, các gói thầu vẫn vượt chỉ tiêu đề ra”, đại diện Ban quản lý dự án 7 nói. Hiện toàn bộ dự án đã chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng, cơ bản xây dựng xong khu tái định cư.

Đoạn đường dẫn qua xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang, đã cơ bản hoàn thành phần mặt cầu, dãy phân cách. Ảnh: Hoàng Nam

Đoạn đường dẫn qua xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang, đã cơ bản hoàn thành phần mặt cầu, dãy phân cách. Ảnh: Hoàng Nam

Dài hơn 6,6 km, dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, Công trình khởi công tháng 3/2020, dự kiến hoàn thành năm 2023. Phần cầu chính dài hơn 1,9 km, gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án khi hoàn thành giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện tại (cách đó gần 350 m) và quốc lộ 1A; vai trò kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng trên tuyến từ TP HCM về miền Tây, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23 km do Ban quản lý Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm trước, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, điểm đầu ở dự án cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại cầu Chà Và đều thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Tuyến đường được thiết kế 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Cao tốc dự tính hoàn thành năm nay, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023.

Công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ngày 18/2. Ảnh: Cửu Long

Công trường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ngày 18/2. Ảnh: Cửu Long

Theo Ban quản lý Mỹ Thuận, đến nay giải phóng mặt bằng cho dự án đạt 97%, sản lượng thi công đạt hơn 34% so với kế hoạch. Các nhà thầu đã triển khai thi công toàn bộ 15 cầu trên tuyến chính và 3 cầu vượt ngang. Hiện, khó khăn nhất của dự án thiếu khoảng một triệu m3 cát để đắp gia tải và hoàn thiện.

Kiểm tra công trình hôm 18/2, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với các nhà thầu, cụ thể phải huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực, tập trung trang thiết bị, để đẩy nhanh tiến độ thi công; đảm bảo chất lượng.

“Nếu đoạn nào không vướng yếu tố kỹ thuật, không vướng mặt bằng thì huy động tất cả các mũi để làm nhanh và vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn phải đặt lên hàng đầu”, ông Lâm nói.

Ở phía đầu TP HCM, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã cơ bản hoàn thành. Song sau 2 tuần đưa vào phục vụ đi lại dịp Tết (từ ngày 25/1), hiện dự án được đóng lại để chủ đầu tư hoàn thiện công trình, nghiệm thu… trước khi đưa vào vận hành tháng 4 năm nay.

Nút giao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành) hiện đã đóng. Ảnh: Hoàng Nam

Nút giao cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành), hai đường nằm bên phải hiện đã đóng. Ảnh: Hoàng Nam

Một trong những hạng mục quan trọng trên cao tốc này là hai trạm thu phí chính ở điểm đầu và cuối dự án chưa hoàn thiện. Mỗi trạm dài khoảng 300 m, 6 làn xe. Ngoài 2 trạm chính còn 3 trạm nhánh cũng đã giải phóng xong mặt bằng. Tổng kinh phí xây các trạm thu phí khoảng trên 100 tỷ đồng. Hiện tỉnh Tiền Giang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, sau đó đưa ra mức phí cụ thể.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tuyến rộng 16 m, gồm 4 làn xe, giai đoạn đầu không có làn khẩn cấp, thay vào đó mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn gồm 2 làn dừng khẩn cấp hai bên.

Quãng đường từ TP HCM đi Cần Thơ dài khoảng 170 km, ôtô thường phải đi hết gần 4 giờ. Suốt chặng xe chỉ chạy trên cao tốc TP HCM – Trung Lương dài hơn 60 km, còn lại đi trên quốc lộ 1 nhỏ hẹp, xuống cấp. Sau khi ba dự án trên hoàn thành, ôtô trên chặng này toàn chạy trên cao tốc: TP HCM – Trung Lương; Trung Lương – Mỹ Thuận; Mỹ Thuận – Cần Thơ, thời gian rút ngắn còn 2 giờ.

Tags:
Messenger Messenger
Đại lý Danh sách đại lý
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay

Để lại lời nhắn