5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài hơn 500 km sẽ được triển khai từ nay đến 2026, trong đó dự kiến nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm 50%.
Ngày 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Các dự án gồm đường vành đai 4 Vùng Thủ đô; đường vành đai 3 TP HCM; đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; tổng chiều dài ước tính hơn 500 km.
Theo lãnh đạo Chính phủ, 500 km đường cao tốc, đường vành đai nêu trên nằm ngoài 700 km cao tốc Bắc Nam đang triển khai; đây đều là những tuyến giao thông quan trọng, việc triển khai liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành. Trong 20 năm qua, Việt Nam mới hoàn thành được khoảng 1.000 km cao tốc, do vậy lần này “phải quyết tâm rất cao”.
Thủ tướng nêu rõ, về nguyên tắc, Trung ương bố trí 50% và địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự này, gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nguồn vốn khác. Việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này (2021 – 2026).
Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư; với dự án PPP sẽ giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành phải giúp đỡ, hỗ trợ địa phương.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẵn sàng nhận và nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, “qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi”, qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chỉ đạo về bố trí, cân đối nguồn vốn; Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chỉ đạo về tiến độ, đôn đốc các cơ quan trình các cấp có thẩm quyền. Các cơ quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trên tinh thần “làm ngày làm đêm”, quyết tâm phải hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ này.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia, tại kỳ họp tháng 5.
Đường vành đai 4 – vùng thủ đô dài hơn 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; tổng vốn dự kiến 87.225 tỷ đồng.
Đường vành đai 3 TP HCM dài gần 92 km, chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; tổng mức đầu tư giai đoạn một ước tính hơn 85.400 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến dài gần 54 km, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng; đã hoàn thiện lại hồ sơ theo phương thức đầu tư công.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 45.000 tỷ đồng; đã hoàn thiện lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đầu tư công.
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, kết nối Tây Nguyên với miền Trung và các cảng biển nước sâu.