Thế giới đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Và để không chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này, cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa, từ xây dựng hệ sinh thái đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghệ, phát triển hạ tầng, phát triển thị trường, thu hồi sản phẩm… với các chính sách đồng bộ và khả thi.
Sản xuất xe điện đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới
Sản xuất xe điện đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô tô điện đầy tiềm năng với dân số gần 100 triệu người. Chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) sử dụng nhiên liệu điện là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, cũng như cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam tại COP26. Tuy nhiên để nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng xanh, cần có lộ trình và các chính sách phát triển, ưu đãi, hỗ trợ phù hợp.
“Mốc” 100% xanh của năm 2050
Thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), số lượng xe điện đã vượt 10 triệu trong năm 2022 (tăng 55% so với năm 2021). Tính đến cuối năm 2022, có khoảng 26 triệu xe điện đang lưu thông trên toàn cầu, tăng khoảng 60% so với năm 2021. Cơ quan này ước tính năm 2023 có khoảng 14 triệu xe điện được bán ra trên toàn cầu.
Với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Theo số liệu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nếu như năm 2018 mới chỉ có 3 chiếc xe điện (nhập khẩu) được kiểm tra cấp giấy chứng nhận thì năm 2021 con số này đã tăng lên 167 xe (cả NK và lắp ráp) và đến 7/2023 con số này đã lên tới trên 12 nghìn xe.
Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho thấy: đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô-xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 876/QĐ-TTg đề ra lộ trình chuyển đổi sang xe ô tô điện, năng lượng xanh tại Việt Nam với các mốc quan trọng như: năm 2025: 100% xe buýt thay thế sử dụng điện; năm 2030: 100% taxi thay thế sử dụng điện; 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Và để thực hiện lộ trình đó, giai đoạn trước đó (2022-2030) là giai đoạn thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu chuyển đổi các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; phát triển hạ tầng sạc điện.
Thị trường tiềm năng và cuộc chiến sôi động
Để đi tắt đón đầu, trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe điện, Việt Nam đã có những cái tên đáng chú ý như Vinfast (thuộc tập đoàn Vingroup) và Công ty CP ô tô TMT.
Là cái tên “mới” trong làng sản xuất ô tô Việt Nam cũng như thế giới, Vinfast đã nhanh chóng vươn lên thành một tên tuổi đáng gờm trong sản xuất xe điện. Hiện nhà sản xuất này đã tung ra 4 mẫu xe ô tô chạy điện “tung hoành” cả thị trường trong nước lẫn thế giới.
TMT Motors đã sớm nhìn ra xu hướng phát triển tương lai để mang mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới Wuling HongGuang MiniEV về lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT Motors (Văn Lâm, Hưng Yên) với công suất 30.000 xe/năm.
Cũng sớm nắm bắt cơ hội, công ty CP ô tô TMT (TMT Motors) – doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe thương mại với gần 47 năm hoạt động tại Việt Nam – đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) và SAIC-WULING để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện mi ni tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đã sớm nhìn ra xu hướng phát triển tương lai để mang mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới Wuling HongGuang MiniEV về lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT Motors (Văn Lâm, Hưng Yên) với công suất 30.000 xe/năm.
Tập đoàn Thành Công (TC Group) cũng đã mang về Việt Nam mẫu xe chạy điện Hyundai Ioniq 5, mẫu xe này được đưa vào sản xuất, lắp ráp tại nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (Ninh Bình). Ngoài ra, Skoda Auto, thương hiệu ô tô của Cộng hòa Séc đã ký kết hợp tác với TC Motor từ 2023 để phân phối một số dòng xe điện và bắt đầu lắp ráp từ 2024 (Quảng Ninh).
Ngoài các hãng xe phổ thông, một số thương hiệu xe sang cũng đã nhập khẩu xe điện giới thiệu ra thị trường Việt Nam như: Mercedes-Benz với mẫu xe điện Mercedes-Benz EQS; Porsche là mẫu xe điện Taycan; Audi cũng “góp vui” bằng mẫu xe điện Audi e-tron…
Chưa kể hàng loạt thương hiệu xe điện Trung Quốc đã và đang nhanh chóng đổ bộ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Ưu đãi sao cho trúng và đúng?
Theo các chuyên gia, thị trường xe điện Việt Nam được cho là tiềm năng lớn, nhưng nếu không đón đầu xu thế bằng các chính sách khuyến khích kịp thời sẽ lỡ cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương cho rằng: việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính là khung khổ pháp lý; chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để gia tăng doanh số bán xe điện và số lượng các mẫu xe điện và giảm giá pin, trong đó chính sách đóng vai trò hàng đầu.
Thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã và đang nỗ lực xây dựng các hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi để đón đầu xu thế phát triển xe xanh tại Việt Nam.
Đơn cử như mức thu lệ phí trước bạ của xe ô tô điện chạy pin hiện là 0% trong vòng 3 năm (kể từ 1/3/2022) và 2 năm tiếp theo, bằng 50% xe xăng có cùng số chỗ ngồi; mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ô tô điện chạy pin cũng giảm chỉ còn 1 – 3%, có hiệu lực từ tháng 3/2022 đến hết tháng 2/2027.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, các chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi sử dụng ô tô điện hiện nay chưa bắt kịp với xu hướng phát triển xe điện trên thế giới và còn chậm so với một số quốc gia trong khu vực.
Cụ thể hơn, cơ quan này đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế TTĐB cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước. Miễn thuế GTGT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.
Đối với phí trước bạ, thực hiện miễn trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2027), tính phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.
Trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo. Ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.
Đồng tình với quan điểm cần có chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi sử dụng xe điện tại Việt Nam, song Bộ Tài chính cho rằng các đề xuất của Bộ GTVT thống nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tính khả thi. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như tỷ lệ sản xuất trong nước thấp, quy mô thị trường còn nhỏ, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô cao, hạ tầng giao thông còn nhiều điểm nghẽn… Do vậy việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo bám sát định hướng chủ trương, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Hiện Chính phủ đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất lắp ráp xe ô tô điện trong nước và pin xe điện. Không chỉ ưu đãi đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sản xuất xe ô tô điện mà còn có ưu đãi thuế có thời hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.
Các chính sách ưu đãi thuế này vẫn đang trong quá trình thực hiện như chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô được thực hiện từ năm 2017 và kéo dài đến hết năm 2027, chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024; đối với dự án sản xuất pin nhiên liệu, pin lithium thuộc đối tượng đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư nên được miễn thuế nguyên liệu, vật tư trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Đối với kiến nghị của Bộ GTVT về chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu xe ô tô điện, Bộ Tài chính cho rằng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện trong nước, gây áp lực lên hạ tầng giao thông và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tại các cuộc hội thảo bàn về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe điện tại Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng: việc phát triển xe điện phụ thuộc rất lớn vào chính sách của mỗi nước. Đây là vấn đề cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên cái khó nhất của ngành sản xuất xe điện hiện nay là cần chính sách hỗ trợ phù hợp.
Muốn phát triển công nghiệp xe điện, không phải chỉ có mỗi ưu đãi thuế, phí là đủ, cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa, từ xây dựng hệ sinh thái đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghệ, phát triển hạ tầng, phát triển thị trường, thu hồi sản phẩm… với các chính sách đồng bộ và khả thi.
Theo Tạp chí Hải quan